Lễ Khai ấn đầu xuân tại Đền Trần - Nam Định 31/01/2019


Về nguồn gốc lịch sử: Đến nay tuy chưa phát hiện được tài liệu, sử sách nào ghi chép cụ thể về nguồn gốc, lịch sử của lễ Khai ấn đền Trần. Nhưng thực tế đây là một tục lệ có từ lâu đời, được nhân dân làng Tức Mặc gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ. Hiện nay, lễ hội đền Trần trong đó có nghi lễ Khai ấn đầu xuân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Về nghi lễ tổ chức: Lễ Khai ấn đầu xuân tại đền Trần diễn ra vào giờ Tý đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng. Rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu, là tuần trăng đầu tiên của một năm. Theo tư duy của cư dân nông nghiệp lúa nước thì ngày này có ảnh hưởng đến công việc của cả năm “Cúng bái cả năm, không bằng rằm Tháng Giêng”. Còn giờ Tý là thời điểm chuyển giao giữa ngày cũ sang ngày mới, trong thập nhị chi thì chi Tý đứng đầu. Người xưa quan niệm “Nhân sinh khởi Tý, Thiên địa khởi Ngọ” (con người ta bắt đầu một công việc vào giờ Tý, trời đất tụ hội vào giờ Ngọ). Với tư duy như vậy nên Lễ Khai ấn đầu xuân có ý nghĩa chấm dứt những ngày nghỉ tết, bắt đầu công việc của một năm mới, cầu cho “Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa”.
Về nội dung, ý nghĩa của ấn:
- “Trần Miếu tự điển”: Nghĩa là điển lệ thờ tự tại miếu nhà (họ) Trần
 - “Tích phúc vô cương”: Nghĩa là ban phúc lộc dài lâu mãi mãi
- “Trần Miếu”: Nghĩa là Miếu nhà Trần.
- Chữ “Thượng” và chữ “Chính” khắc trên núm ấn mang ý nghĩa khi đóng phải thuận theo hình thể chữ tránh đóng ngược.
Như vậy ấn “Trần Miếu tự điển” không gắn với một cấp hành chính hay chức quan nào, đơn giản nó chỉ mang ý nghĩa về điển lệ thờ tự ở “Miếu Trần”. Vì vây nó mang yếu tố tín ngưỡng, tâm linh. Tuy thế nhưng ấn này được lưu giữ và tiến hành nghi Lễ trong một không gian thiêng, nơi thờ các vua Trần và Đức Thánh Trần, xưa kia là các cung điện của Thượng hoàng nhà Trần trong Hành cung Thiên Trường – Trung tâm quyền lực thứ hai của Đại Việt ở thế kỷ XIII - XIV. Quan niệm trong dân gian khi có tờ lá ấn này cũng như lộc Vua, lộc Thánh ban cho để hy vọng có sự che chở, phù hộ trong cuộc sống. Đi dự Lễ  Khai ấn đền Trần còn là một cuộc du xuân, hành hương về quê hương nhà Trần xin lộc cầu may để tin tưởng, hy vọng vào thành công trong cuộc sống.
Tuy nhiên vừa qua cũng có một số quan điểm cực đoan cho rằng lễ Khai ấn đền Trần là không có cơ sở lịch sử, lại có quan niệm có được dấu ấn đền Trần mới được thăng quan tiến chức. Điều đó hoàn toàn do suy luận của mỗi người. 
Việc thăng tiến của cá nhân phải do sự phấn đấu rèn luyện, nếu mong có sự linh ứng của các bậc vua, thánh thì mỗi người hãy phát huy truyền thống của cha ông, học tập những bài học trong dựng nước và giữ nước của thời đại Trần, tiếp nối truyền thống lịch sử để góp phần xây dựng phát triển đất nước ta giàu đẹp văn minh. Câu đối ở cửa đền của tiền nhân đã nhắn nhủ:

“Dân vi bang bản thiên niên sách
    Công tại nhân tâm vạn cổ trường”
Nghĩa là: Dân là gốc nước, ngàn năm nêu sách lược
           Công ở lòng người, muôn thuở dài lâu.

Nguyễn Văn Thư
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định
 

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập