Một thời để nhớ 25/05/2020


Đầu năm 1964, tôi vừa tốt nghiệp Trung cấp Bảo tàng khóa một về, tuy kiến thức chuyên môn còn trong trí nhớ, nhưng thực tiễn thì chưa có nhiều, chỉ được thầy Trần Quốc Vượng dẫn cả lớp đi khai quật ở một số nơi khoảng tầm ba tháng.
Khi về cơ quan công tác, tôi được thủ trưởng cơ quan giao nhiệm vụ lên núi Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên nghiên cứu thám sát phế tích tháp Chương Sơn thời Lý bị đổ nát từ lâu. Khi tôi lên núi thì chẳng có gì là đổ nát cả, mà chỉ thấy trên đồi toàn là cây sắn tàu, đỉnh núi thì cỏ mọc um tùm, nhưng xuống thăm các nhà dân xung quanh chân núi thì phát hiện được nhiều hiện vật bằng đá trạm trổ hình hoa sen, hoa cúc, đầu rồng, thân rồng, thi thoảng có cả những viên gạch hình chữ nhật 0,25m x 0,40m mầu đỏ sẫm, có hàng chữ nho khắc “Lý gia đệ tứ đế, Long phù nguyên hóa ngũ tạo niên” tương ứng với niên đại dương lịch vào năm 1105.


Quang cảnh khai quật phế tích tháp Chương Sơn, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên năm 1968

Lúc đó trong đầu vừa mừng lại vừa lo, mừng là được trải nghiệm thực tế một di tích rất có giá trị, còn lo là công việc quá mới mẻ, không gian nghiên cứu quá rộng, quả đồi toàn là sắn và đất, không có gạch đổ nát, công việc làm là công việc khoa học của các nhà khảo cổ, hiện vật được tìm thấy dưới chân núi thuộc phạm trù nghệ thuật điêu khắc đặc trưng của từng thời đại đã mách bảo cho tôi đây là một di tích từ thời Lý rất giá trị, phải quyết tâm tìm ra bằng được, nhưng không gian nghiên cứu rộng mênh mông, thế thì đào chỗ nào cho trúng để đỡ tốn kinh phí.
Mới ra trường được ít lâu thì phải mò mẫm, đề xuất của tôi lên Bắc Ninh nghiên cứu kiến trúc các chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Dạm, rồi đến cả di tích tháp Đọi Sơn ở Duy Tiên, Hà Nam được thủ trưởng Quán tán thành và khuyến khích.
Khi về tiến hành thì được bổ sung họa sĩ chuyên ngành và nhiếp ảnh để ghi chép tư liệu. Cả thủ trưởng cùng đi nên rất vui. Dựa vào nghiên cứu thực địa và vận dụng quy luật kiến trúc Phật giáo ở Bắc Ninh, ở Đọi Sơn và địa hình quả đồi có phế tích, nên hố thám sát đầu tiên 1m x 2m, sâu 0,6m thì gặp ngay sân gạch cả tổ vui mừng khôn xiết, từ hố thám sát này mở rộng được 20m2 thì dừng lại, kết quả tìm được một phần sân, 1 cạnh của nền Tháp là 20m, còn hiện vật thì rất nhiều, đáng kể nhất là bức lan can (thành bậc lan can) đá dài 2,2m, rộng 0,50m hai mặt chạm hình vũ nữ dâng sen.
Chúng tôi phải dừng lại vì quy mô diện khai quật quá rộng, kinh phí địa phương có hạn. Sau đó với sự hỗ trợ của Viện Khảo cổ học Việt Nam do Giáo sư Cao Xuân Phổ và Đỗ Văn Ninh về chỉ đạo phối hợp với địa phương tiến hành khai quật tiếp, 3 tháng mới hoàn thành. Kết quả thu được khá lớn, hiện vật và tư liệu nghiên cứu cho biết chân tháp vuông, mỗi cạnh dài 20m, diện tích nền tháp rộng 400m2, chiều cao của tháp dựa vào truyền thuyết trong nhân dân cao tới vài trượng (gần 80m) và được xây dựng vào năm 1105 (dựa vào niên đại khắc vào viên gạch) và bị giặc Minh tàn phá từ thế kỷ XV.
Qua công trình khai quật nghiên cứu di tích tháp Chương Sơn thời Lý ở Ngô Xá, Ý Yên để lại trong tôi nhiều bài học sâu sắc, hiểu biết thêm nền nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thời Lý, qua làm thực tế mà tích lũy được nhiều kinh nghiệm khai quật khảo cổ học, nhờ có các cuộc khai quật mà Bảo tàng ngày càng thu được nhiều hiện vật, càng hiểu thêm lịch sử đất nước mình, càng tạo cho mình sự say mê nghề nghiệp, vì thế mà sau đó tôi rất thích tham gia các công trình khai quật ở địa phương.
Trong công tác khảo cổ học ở địa phương để lại kỷ niệm sâu sắc nhất đối với tôi là cuộc khai quật và tìm ra sân gạch hoa thời Trần ở khu vực chùa Đệ Tứ, được mệnh danh là dấu tích cung điện Đệ Tứ thời Trần.
Năm 1978 khi được cơ quan giao nhiệm vụ đi nghiên cứu di tích cung điện Đệ Tứ, đến nơi nghiên cứu tôi thấy rất khó phát hiện những vết tích của cung điện Đệ Tứ vì ở đây khác với di tích chùa Phổ Minh. Chùa Đệ Tứ trên mặt đất không còn dấu tích gì về kiến trúc thời Trần, mà chỉ còn ngôi chùa kiến trúc thời cuối Lê đầu Nguyễn, xung quanh chùa là các vết tích gạch ngói thời Trần cũng chưa phát hiện được mấy, nhưng khi quan sát toàn cảnh không gian từ trong ra ngoài tôi cảm thấy cảnh quanh rất đẹp thoáng đãng, sân chùa rộng, bằng phẳng, lúc đó tôi có suy tưởng là chùa ngày nay có thể làm trên nền cung điện xưa và như vậy thì sân đất này có thể là sân cung điện xưa, mà thời gian đã bị phù sa lấp đi, nghĩ vậy nên tôi đã xin phép nhà chùa và mượn dụng cụ cùng cái bay khảo cổ tiến hành thăm dò một hố rộng 2m2, tôi làm đến độ sâu 0,40m thì gặp gạch hoa, bệnh nghề nghiệp mách bảo tôi thận trọng, may ra gạch hoa này lát cả sân thì sao, những viên gạch này đều vuông như nhau, mỗi cạnh 0,40m bề mặt viên nào cũng có hình hoa Cúc rất đẹp.
Thấy vậy tư tưởng rất phấn trấn, tôi dừng lại thuê người canh gác, rồi xin phép lãnh đạo cho đào tiếp. Sau đó đào đến đâu là lộ gạch hoa ra đến đấy, có canh gác và bảo vệ chu đáo. Tôi phải thuê người và chỉ đạo đào tiếp nửa tháng thì tìm ra toàn bộ sân gạch hoa trước chùa Đệ Tứ, không bị sây sát viên nào.
Thời gian làm, ngày nào cũng đông nghịt cán bộ và nhân dân đến xem, đến mức phải nhờ hàng tiểu đội dân quân đến canh gác cả ngày lẫn đêm, phải có dây chăng mốc giới, nhưng vẫn an toàn. Sau khi hoàn thành báo Hà Nam Ninh có bài đăng “Phát hiện được sân gạch hoa thời Trần ở sân chùa Đệ Tứ”. Ít lâu sau cơ quan được vinh dự đón Tổng bí thư Lê Duẩn đến thăm.


Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm sân gạch hoa thời Trần tại chùa Đệ Tứ, xã Lộc Hạ, năm 1976

Đến bây giờ đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ đến ngày ấy tôi vẫn cảm thấy sung sướng, càng cảm thấy tự hào về nghề nghiệp Bảo tàng của mình.
Trong công tác nghiệp vụ Bảo tàng tôi còn nhớ những công việc tôi thích thú, đó là vào năm 1976 lúc được cơ quan giao xây dựng đề cương và chỉ đạo tiến hành cuộc trưng bày “Lịch sử thời Trần và 3 lần chiến thắng Nguyên Mông” ở thế kỷ XIII. Đây là lúc được tập trung nghiên cứu về thời Trần và nghiên cứu những gì tỉnh mình có, đã sưu tầm được đưa ra giới thiệu với công chúng, vì thế để đọc nhiều, tư liệu và hiện vật phải chọn lọc kỹ, lại phải tầm sư, học đạo và cần thêm sự viện trợ của các Viện Bảo tàng Trung ương, các Giáo sư sử học.
Xong đề cương, đến trưng bày, viết thuyết minh, huấn luyện thuyết minh, nhưng tất cả đều suôn sẻ, vì cơ quan tuyển thêm giáo viên dạy sử làm công tác thuyết minh, nên đã chuyển tải được nội dung rất tốt.
Vất vả đấy nhưng trong lòng rất vui vì lúc bấy giờ cuộc trưng bày “Thời Trần và 3 lần chiến thắng Nguyên - Mông” được mở của trong dư âm Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan, đông nhất là học sinh cấp 2, cấp 3, sinh viên đại học khoa sử, cán bộ tỉnh, thành phố.
Dư âm của cuộc trưng bày “Thời Trần và 3 lần chiến thắng Nguyên - Mông” đã vang xa tới các huyện xa thành phố, nên tôi đã được mời đi nói chuyện ở nhiều nơi, kể cả một số cơ quan ở thành phố Nam Định Trường Đảng tỉnh, thời kỳ ấy cứ mỗi khóa học tôi được mời đến phục vụ 2 tiết.
Một kỉ niệm nhỏ nhưng rất sâu sắc trong đời hoạt động của tôi là vào năm 1979 Cục Bảo tồn Bảo tàng có mở lớp học chuyên môn cho các tỉnh miền nam, địa điểm đặt ở Phú Yên thuộc tỉnh Phú Khánh. Tôi được Cục mời đi với đoàn và trao đổi công việc bảo tàng ở cấp tỉnh.
Ở lớp học tôi đã đem thực tế công tác bảo tồn bảo tàng của tỉnh Hà Nam Ninh nói chuyện dần với lớp học. Những ngày chủ nhật tôi ở lại lớp giúp đỡ bảo tàng địa phương, phân loại sắp xếp hồ sơ theo địa dư huyện và theo thời đại từng di tích v.v... được anh em quý mến.
Khi bế mạc lớp học về địa phương ít lâu, Sở Văn hóa nhận được giấy cảm ơn của Sở Văn hóa Phú Khánh,còn đối với tôi là giấy khen của Cục bảo tàng. Tôi rất cảm động và coi đây là một bài học trong công việc.
Sự say mê nghề nghiệp cộng với tinh thần trách nhiệm của một cán bộ đã cho tôi nhiều bài học quý trong đời hoạt động của mình./. 

Đào Đình Tửu
Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nam Ninh



Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website

Số lượng truy cập